Ngày đăng: 17/02/2012 | Lượt xem: 4749
(TBVTSG) - Internet, điện thoại di động được xếp vào danh sách các kênh quảng cáo sử dụng công nghệ mới và loại hình này được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quảng cáo trực tuyến vẫn còn là loại hình dịch vụ khá mới mẻ. Ông Đỗ Kim Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA), đã trao đổi với Thời báo Vi tính Sài Gòn về tương lai của các kênh quảng cáo này tại thị trường trong nước.
TBVTSG: Ông có thể cho biết quảng cáo qua các kênh Internet, điện thoại di động hiện chiếm thị phần là bao nhiêu trong ngành quảng cáo Việt Nam?
Ông Đỗ Kim Dũng: - Các kênh quảng cáo loại này ở Việt Nam chiếm thị phần không cao. Theo Liên đoàn Quảng cáo châu Á (AFAA), ở thị trường toàn khu vực các kênh quảng cáo này vẫn đạt mức độ tăng trưởng 15-20% trong giai đoạn từ năm 1997 đến nay. Trong đó, Nhật là thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất, nhất là loại hình quảng cáo qua điện thoại di động vì đây là kênh tương tác trực tiếp giữa các doanh nghiệp và khách hàng mà họ muốn nhắm tới.
Ở Việt Nam, dịch vụ quảng cáo này còn khá mới mẻ và chưa phát triển, một phần do các quy định của pháp luật cũng chưa thật sự cụ thể, ngoài ra còn các vấn đề khác như tính chất riêng tư và sở hữu cá nhân. Chắc chắn trong thời gian tới, quảng cáo qua điện thoại di động sẽ phát triển vì nó giúp cho người mua quảng cáo tiết kiệm được nhiều chi phí, đồng thời giúp họ hiểu rõ các đối tượng khách hàng tiếp nhận thông tin quảng cáo. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, vì vẫn chưa có quy định rõ ràng nên người mua quảng cáo còn rất thận trọng.
Còn loại hình quảng cáo qua kênh Internet hiện tại chủ yếu được thực hiện thông qua các tờ báo điện tử. Thị phần của kênh này cũng không đáng kể vì chưa có nhiều tờ báo mạng mạnh về lĩnh vực này.
Ông nói rằng thị phần các kênh quảng cáo trực tuyến không cao, vậy ông có thể cho biết con số cụ thể.
- Theo những thông tin tôi nắm bắt được thì tôi cho rằng là 1%. Nhìn chung, thị phần quảng cáo của báo điện tử trên thế giới cũng rất nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng cách thức quảng cáo qua kênh này chưa thật sự hấp dẫn người sử dụng Internet vì các quảng cáo trên mạng Internet hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc thể hiện logo của doanh nghiệp, và người sử dụng buộc phải nhấp chuột (click) thì mới có thể xem thêm thông tin.
Hiện tại, ở Việt Nam, truyền hình vẫn là kênh quảng cáo tốt nhất, kế đến là báo in, đặc biệt là các tạp chí chuyên ngành luôn thu hút được nhiều quảng cáo vì các doanh nghiệp muốn quảng cáo có thể đưa thông tin đến đúng đối tượng khách hàng mà họ kỳ vọng.
Điều mà tôi cho là không tốt cho thị trường hiện nay là các nhà cung cấp quảng cáo trên các báo, kể cả báo điện tử, chưa minh bạch trong việc cung cấp thông tin về kênh quảng cáo của mình. Ở nhiều quốc gia khác có quy định và cả biện pháp chế tài để buộc các chủ phương tiện truyền thông cho thuê không gian quảng cáo phải minh bạch về thông tin này. Do đó, các tờ báo ở nước ngoài thường tiến hành các cuộc khảo sát ở độc giả và điều này sẽ giúp người mua quảng cáo biết rõ đối tượng khách hàng của họ là ai, trong độ tuổi là bao nhiêu cũng như số lượng báo giấy phát hành, lượng người truy cập vào báo điện tử mà họ muốn mua quảng cáo là bao nhiêu. Việc các phương tiện truyền thông cung cấp chi tiết và rõ ràng các thông tin nêu trên mang lại lợi ích không chỉ cho người mua quảng cáo, giúp tăng doanh thu cho ngành dịch vụ này mà còn cho cả xã hội.
Vậy các doanh nghiệp mua quảng cáo ở Việt Nam có thể tìm được cơ sở dữ liệu tương đối chính xác về đối tượng và số lượng độc giả từ báo điện tử hay không, vì hiện nay trên thị trường có các phần mềm ghi nhận các thông tin liên quan này?
- Về vấn đề này thì các báo điện tử thường làm tốt hơn báo giấy vì các tờ báo có thể thống kê được lượng người truy cập, nhưng cũng không thể biết được chính xác độc giả của họ thuộc lứa tuổi nào.
Như tôi đã nói ở trên, phần lớn quảng cáo trực tuyến, cụ thể là quảng cáo trên các báo điện từ ở Việt Nam, là giới thiệu logo của doanh nghiệp và khi người sử dụng Internet muốn có thêm thông tin thì họ phải nhấp chuột vài lần nên nhu cầu thông tin của họ chưa được đáp ứng đầy đủ. Do đó, khi cần triển khai một chương trình quảng cáo lớn thì các doanh nghiệp vẫn tập trung chủ yếu vào các kênh truyền hình, báo in rồi mới đến báo điện tử. Bản chất của quảng cáo đó là không được bắt người sử dụng phải đi tìm thông tin mà thông tin phải hiện ra trước mắt họ. Hay nói một cách khác, vai trò của người thụ hưởng quảng cáo là quan trọng, không thể để họ bị thụ động trong việc tiếp nhận thông tin. Do vậy, các kênh quảng cáo trực tuyến phải thể hiện tính chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho khách hàng, nếu không sẽ khó đạt hiệu quả cao.
Ở một khía cạnh nào đó, quảng cáo trực tuyến vẫn có ưu thế lớn trong việc giúp các doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí so với các kênh quảng cáo truyền hình và báo in?
- Đúng là chi phí cho quảng cáo trực tuyến hiện khá thấp, nên doanh thu của kênh này vẫn chiếm phần rất nhỏ trong tổng doanh thu của ngành quảng cáo. Theo tôi, tính chính thống của các kênh quảng cáo trực tuyến hiện nay chưa cao, và khi doanh nghiệp quảng cáo trên các kênh không chính thống thì lòng tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp cũng không cao.
Tôi cho rằng một phần cũng là do thương mại điện tử ở Việt Nam chưa phát triển mạnh và độ phủ của dịch vụ này chưa rộng. Hiện tại, quảng cáo trực tuyến trên thế giới đã phát triển sang cả các diễn đàn, blog chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi báo điện tử.
Theo ông, chi phí quảng cáo trực tuyến bằng bao nhiêu phần trăm so với các kênh quảng cáo khác ở Việt Nam hiện nay?
- Tôi cho rằng chi phí này cũng không rẻ nếu xét về tính hiệu quả. Tôi đã từng mua một mẩu quảng cáo với kích thước nhỏ trên một tờ báo điện tử và phải trả phí 10 triệu đồng/tuần. Tờ báo này nói lượng người truy cập vào trang web của họ có khi lên đến 4 triệu lượt/ngày, nhưng chúng tôi đo số lần nhấp chuột vào mẩu quảng cáo của mình và thấy cũng chỉ dừng lại ở con số 200 lần. Chi phí quảng cáo trên các diễn đàn thì thường rẻ hơn. Tôi cũng thường quảng cáo dạng tin, bài trên các diễn đàn với mức phí 400.000 đồng cho việc xuất hiện trên 1.000 diễn đàn. Tôi hy vọng, trong thời gian sắp tới sẽ có các cơ sở dữ liệu chính xác về quảng cáo trên các diễn đàn để giúp các công ty quảng cáo có thể tiếp cận trực tiếp khách hàng tiềm năng.
Ông dự đoán kênh quảng cáo trực tuyến nào sẽ phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam? Sự phát triển nhanh của mạng Internet và các dịch vụ điện thoại di động sẽ hỗ trợ gì cho việc quảng cáo thông qua kênh này?
- Tôi đặt niềm tin vào quảng cáo trên Internet và điện thoại di động. Ở Nhật, quảng cáo qua hai loại phương tiện này được xếp vào kênh quảng cáo bằng công nghệ mới, và doanh số của các kênh này chiếm khoảng 10% của ngành quảng cáo nước này. Ở Việt Nam, quảng cáo qua điện thoại di động sẽ tăng trưởng tốt hơn so với Internet bởi sự tương tác và cơ sở dữ liệu khách hàng chính xác hơn, và khi doanh nghiệp tìm thấy thông tin chính xác thì họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra. Quảng cáo trên các mạng xã hội cũng sẽ phát triển mạnh, còn trên báo điện tử có tăng nhưng không đáng kể.
Tôi nghĩ trong tương lai PR 2.0 sẽ là một trong các kênh quảng cáo trực tuyến phát triển tốt tại thị trường Việt Nam vì đây là dạng quảng cáo mới. PR là truyền thông thông thường và PR 2.0 là Internet, các diễn đàn, blog, và khi quảng cáo trên các kênh này thì doanh nghiệp sẽ gửi đúng thông tin, nội dung mà họ cần quảng cáo đến đối tượng khách hàng mà họ nhắm tới. Chúng ta biết rằng các diễn đàn thường thu hút nhóm thành viên trong độ tuổi nhất định, ví dụ từ 18 đến 22, và do vậy quảng cáo trên các kênh này sẽ có hiệu quả hơn mà chi phí cũng rất rẻ. Tôi tin rằng đây sẽ là công cụ quảng cáo tốt.
Doanh thu của toàn ngành quảng cáo Việt Nam tăng giảm như thế nào trong các năm qua?
- Trong năm 2009, tổng doanh thu của ngành quảng cáo trên dưới 1 tỷ đô-la Mỹ, trong đó nguồn thu từ truyền hình và báo vẫn chiếm hơn 70%. Ngoài quảng cáo trực tuyến, các kênh quảng cáo ngoài trời (OOH), quảng cáo tại điểm bán, tại các siêu thị, các cửa hàng… cũng đang phát triển rất tốt. Các công ty lớn cũng đang sử dụng quảng cáo dưới ngạch (below the line) để kích hoạt người ta tiêu dùng và tập trung đúng vào khách hàng mục tiêu sau khi các nhãn hàng của họ đã được nhận biết trên thị trường.
Tôi tin rằng với mức tăng trưởng trung bình 30-35%/năm trong thời gian qua, doanh thu toàn ngành quảng cáo Việt Nam có thể sẽ vượt 3 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2020, nếu đà tăng trưởng như hiện nay tiếp tục được duy trì.
Bình Nguyên thực hiện
Thứ Năm, 23/9/2010, 19:09 (GMT+7)
Tags: